Giới thiệu về chúng tôi

TĂNG HUYẾT ÁP: TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN, NGUYÊN NHÂN, CÁC MỨC ĐỘ TĂNG HUYẾT ÁP, ĐIỀU TRỊ - LỐI SỐNG TỐT CHO NGƯỜI BỊ TĂNG HUYẾT ÁP

Thứ ba, 16/04/2024, 11:30 GMT+7

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch, đo bằng đơn vị mmHg. 

Huyết áp được biểu thị thông qua 2 con số: 

+ Số lớn thể hiện huyết áp tâm thu là huyết áp lúc tim co bóp, 

+ Số nhỏ thể hiện huyết áp tâm trương là huyết áp lúc tim giãn. 

Ví dụ: 130/80mmHg

130 thể hiện huyết áp tâm thu - lúc tim có bóp;

80 thể hiện huyết áp tâm trương - lúc tim giãn.

Người được coi là không có tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu < 140mmHg và huyết áp tâm trương < 90mmHg.

Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp hay cao huyết áp là bệnh mạn tính, khi giá trị huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg theo tiêu chuẩn Hội Tim mạch học Quốc gia về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp (VNHA/VSH).

Lưu ý: Không phải cứ đo huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg, huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg thì được gọi là tăng huyết áp.

Các triệu chứng tăng huyết áp?

Thông thường không có triệu chứng gì đặc biệt trong một thời gian dài, thường phát hiện khi tình cờ đo huyết áp hoặc khám sức khoẻ tổng quát.

Khi có tổn thương cơ quan khác (tổn thương cơ quan đích) sẽ có các biểu hiện ở các cơ quan đó: 

Tổn thương ở não: Đau đầu, rối loạn thần kinh, suy giảm nhận thức và mất trí nhớ, yếu liệt tay chân, méo miệng, liệt mặt, rối loạn tri giác … 

- Tổn thương ở mắt: Thay đổi thị lực, nhìn mờ

- Tổn thương ở tim, mạch máu lớn: Ho khan, khó thở khi nằm tăng về đêm, phù 2 chân, đau ngực.

- Tổn thương ở mạch máu ngoại biên: Đau chân khi đi lại hoặc đau cả khi nghỉ, sưng, nóng, đỏ ở chân.

- Tổn thương ở thận: Tiểu máu (nước tiểu màu đỏ, hồng)

Những người nào cần tầm soát huyết áp?

Những đối tượng có nguy cơ bị cao huyết áp

- Nam giới ≥ 40 tuổi, phụ nữ tuổi mãn kinh.

- Béo phì, thừa cân, lối sống ít hoạt động thể lực. 

- Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn mặn, chế độ ăn nhiều muối.

- Căng thẳng tâm lý và stress.

- Có các bệnh lý về rối loạn chuyển hoá như đái tháo đường, rối loạn lipid máu … Bệnh thận mạn.

- Tiền sử gia đình có người bệnh tăng huyết áp.

beo-phi

Nguyên nhân gây tăng huyết áp là nguyên phát hay thứ phát?

- Tăng huyết áp nguyên phát (Vô căn): Không xác định được nguyên nhân.

- Tăng huyết áp thứ phát: Có thể gặp các nguyên nhân sau

- Các bệnh lý về thận: Viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mạn, sỏi thận, hẹp động mạch thận.

- Các bệnh nội tiết: U tủy thượng thận, Cushing, cường Aldosteron, cường giáp …

- Các bệnh lý tim mạch: Hở van động mạch chủ (gây tăng huyết áp tâm thu đơn độc), hẹp eo động mạch chủ (gây tăng huyết áp chi trên), hẹp xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến động mạch thận.

- Do thuốc: Cam thảo, thuốc tránh thai, một số thuốc cường giao cảm.

- Nguyên nhân khác: Ngộ độc thai nghén, rối loạn thần kinh.

Các tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp gây ra là gì? 

Các cơ quan đích bao gồm não, mắt, tim, các động mạch trung tâm, các động mạch ngoại biên và thận.

- Não: Cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ là những biểu hiện phổ biến của tăng huyết áp. Ngoài ra còn có thể gặp tình trạng đau đầu nhiều, không kèm với tai biến mạch máu não. Các triệu chứng có thể gặp như đau đầu, rối loạn thần kinh, suy giảm nhận thức và mất trí nhớ, hoặc yếu liệt tay chân, nói ngọng, liệt mặt, … 

- Mắt: Có thể gây xuất huyết võng mạc, phình vi mạch và phù gai thị ở bệnh nhân tăng huyết áp ác tính và tiến triển, biểu hiện bởi triệu chứng nhìn mờ, rối loạn thị giác.

- Tim: Tăng huyết áp lâu ngày làm phì đại thất trái có thể dẫn đến suy tim, có thể biểu hiểu bởi triệu chứng ho khan, khó thờ khi nằm, tăng về đêm, phù 2 chân. Ngoài ra trong tăng huyết áp cấp cứu có thể gây nhồi máu cơ tim biểu hiện bởi triệu chứng đau thắt ngực, lan lên cổ vai, dẫn đến sốc, suy hô hấp.

- Thận: Tăng huyết áp gây tổn thương thận, lâu dần có thể dẫn đến suy thận mạn tính. Trong cơn tăng huyết áp cấp cứu tổn thương thận có thể gặp triệu chứng tiểu máu.

- Động mạch: Gây nên xơ vữa động mạch thường gặp ở động mạch cảnh, động mạch chủ, động mạch chi dưới. 

Dự phòng tăng huyết áp như thế nào?

a, Chế độ ăn cho người tăng huyết áp

Chế độ ăn uống lành mạnh (Sử dụng chế độ ăn DASH): Ăn đầy đủ trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo đã giảm hàm lượng chất béo bão hoà và tổng lượng chất béo.

Giảm lượng Natri trong chế độ ăn: Giảm ăn mặn với mục tiêu tối ưu là lượng Natri trong khẩu phần ăn hằng ngày < 1500 mg (xấp xỉ 5 gam muối ăn hay 1 muỗng cà phê). 

Tăng lượng Kali trong khẩu phần ăn: Mục tiêu tối ưu là 3500-5000 mg/ngày. Các loại thức ăn chưa nhiều Kali như chuối, cam, bưởi, dưa lê, dưa lưới, nho khô, chà là, rau lá xanh, măng tây …

Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn như rượu bia.

an-rau

b, Chế độ luyện tập cho người tăng huyết áp

Tập các bài tập gắng sức như thể dục nhịp điệu, đi bộ nhanh, chạy bộ,… ít nhất 30 phút/lần trong ít nhất 5 lần/tuần  (Hay ít nhất là 150 phút/tuần). Khởi động dần dần và làm ấm khi bắt đầu, làm mát cuối cùng mỗi lần tập.

Tập gắng sức có đề kháng động: Tập thể dục như nâng tạ hoặc tập chạy, ít nhất 2-3 lần/tuần. Cần có sự hướng dẫn/giám sát của chuyên gia. Thường được sử dụng để bổ sung cho các bài tập thể dục nhiệp điệu. Ít hiệu quả hơn so với tập gắng sức ở trên.

c, Kiểm soát cân nặng

Mục tiêu tối ưu là giảm được trọng lượng cơ thể lý tưởng như mong muốn, duy trì BMI < 23kg/m2. Kỳ vọng giảm 1kg cân nặng giúp giảm 1mmHg huyết áp tâm thu.

------------
- Đăng ký, nhận tư vấn qua Hotline 0974 508 479 hoặc 0985 095 100 (có Zalo) hoặc inbox cho Admin fanpage. 
- Trao chúng tôi niềm tin, chúng tôi sẽ trao sự an tâm cho bạn.
------------
- Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn khám chữa bệnh BHYT thông tuyến (không cần giấy chuyển tuyến) cho mọi đối tượng tất cả các ngày trong tuần, tiếp nhận các thẻ bảo hiểm tư nhân, bảo hiểm bảo lãnh.
- Áp dụng BHYT khi khám bệnh ngoài giờ (từ 16h – 19h thứ 2 đến thứ 7 và từ 7h - 16h ngày chủ nhật) đối với các khoa: Nội - Ngoại - Sản - Nhi.
------------
Bệnh Viện Đa Khoa Tâm Trí Sài Gòn - “Tất cả cho sức khỏe bạn” 
171 Trường Chinh, P. Tân Thới Nhất, Quận 12, TP.HCM. 
☎️ Đặt lịch khám: 0974 508 479 hoặc 0985 095 100 
☎️ Cấp cứu 24/7: 0901 696 115 
Website: http://bvtamtrisaigon.com.vn


TAG:
dathongbao