Permanent Doctor 0901 696 115
Emergency Hotline 0974 508 479
Giới thiệu về chúng tôi
banner

ĐỘT QUỴ NÃO - BIẾT ĐIỀU NÀY ĐỂ GIẢM NGUY HIỂM TẠI CHỖ

Thursday, 16/03/2023, 15:19 GMT+7

1. Đột quỵ là gì?

Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não với các triệu chứng khiếm khuyết thần kinh xảy ra đột ngột, mà nguyên nhân là do tổn thương mạch máu não xảy ra tự phát (loại trừ nguyên nhân chấn thương sọ não)

2. Gánh nặng về đột quỵ

Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 sau ung thư và bệnh tim mạch ở hầu hết các nước. Riêng tại Việt Nam, thì đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ nhất. Ngoài ra đột quỵ còn là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu ở người lớn. Hiện nay ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp mới mắc

3. Phân loại đột quỵ

Đột quỵ được chia thành hai nhóm lớn đó là

- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: còn gọi là nhồi máu não, xảy ra khi một động mạch cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn. Đây là thể thường gặp nhất, chiếm 85% trong tổng số các ca bệnh đột quỵ

- Xuất huyết nội sọ: là tình trạng vỡ mạch máu bên trong sọ, chiếm khoảng 15% trong các trường hợp đột quỵ, gồm hai loại

+ Xuất huyết trong não

+ Xuất huyết khoang dưới nhện

tai-bien-mach-mau-nao-la-gi-va-tai-bien-mach-mau-nao-nguy-hiem-nhu-the-nao-bb-baaadzwlei

4. Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ

- Lớn tuổi

- Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn nữ giới

- Tiền sử gia đình có người thân từng bị đột quỵ

- Tăng huyết áp

- Đái tháo đường

- Rối loạn mỡ máu

- Bệnh lý tim mạch

- Béo phì

- Nghiện rượu

- Hút thuốc lá

5. Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Có rất nhiều triệu chứng biểu hiện bệnh lý đột quỵ. Tuy nhiên chúng ta chỉ cần nhớ các dấu hiệu trong từ FAST

F – Face (mặt): Dấu hiệu liệt mặt, tức là miệng bị méo, lệch sang một bên; hoặc nếp nhăn mũi - má bị mờ đi

A – Arm (tay): Yếu, liệt tay hoặc chân, không thể cầm nắm, đi lại

S – Speech (ngôn ngữ): Rối loạn ngôn ngữ, tức là đột ngột rối loạn lời nói, không nói được hoặc lời nói không rõ ... như bình thường trước đó.

T – Time (thời gian): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột thì cần phải liên hệ cấp cứu ngay

6. Cách phòng ngừa đột quỵ

- Kiểm soát và điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, mỡ máu,…

- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều thực phẩm giàu Omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá thu; thực phẩm giàu folate như đậu lăng, rau có màu sẫm, măng tây, bông cải, các loại hạt, củ cải…; thực phẩm giúp giảm Cholesterol xấu như yến mạch, đậu nành, hạnh nhân; thực phẩm giàu magie như ngũ cốc, chuối, quả bơ, các loại đậu, rong biển, mâm xôi…;

Uống nhiều nước lọc, nước trái cây. Một số thực phẩm cần tránh như: thức ăn đóng hộp và chế biến sẵn; các món ăn quá mặn như cà muối, dưa muối…Hạn chế ăn thịt, sữa và các sản phẩm từ thịt và sữa vì đây là nhóm thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa, không có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Không ăn quá nhiều trứng, thực phẩm chứa nhiều cholesterol như: bơ thực vật, tôm, khoai tây chiên, gan động vật, phô mai…Hạn chế hoặc bỏ bia rượu, thuốc lá để ngăn chặn quá trình xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ tái phát đột quỵ.

- Thay đổi lối sống

+ Cân bằng giữa công việc, giảm bớt stress, tức giận.

+ Nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, không nên tắm đêm, thức quá khuya.

+ Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, nhất là trong thời điểm giao mùa.

- Tập thể dục hằng ngày: Tập thể dục ít nhất 5 ngày/tuần, 30 phút mỗi ngày

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nhất nguy cơ đột quỵ và các bệnh lý tiềm ẩn. Từ đó, bác sĩ sẽ có các biện pháp can thiệp chủ động để điều trị và hướng dẫn phòng ngừa bệnh hiệu quả.

7. Điều trị đột quỵ như thế nào?

Mục đích chính của việc điều trị đột quỵ não là giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế tối đa các biến chứng nghiêm trọng và lâu dài. Nguyên tắc chung khi điều trị các trường hợp đột quỵ chính là: điều trị cấp cứu, nhanh chóng và chính xác, hạn chế ổ tổn thương lan rộng, tối ưu hóa tình trạng thần kinh, đảm bảo tưới máu não, phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra, giúp người bệnh phục hồi chức năng và phòng ngừa tối đa nguy cơ tái phát bệnh đột quỵ.

Tùy theo nguyên nhân đột quỵ là do chảy máu não hay nhồi máu não mà hình thức điều trị đột quỵ có thể khác nhau.

untitled-dqn_1

- Đối với nhồi máu não cấp: mục tiêu hiện nay là tái thông mạch máu bị tắc nghẽn càng sớm càng tốt. Hiện có 2 phương pháp để tái thông mạch máu đó là tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và can thiệp nội mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học. Tùy theo tình trạng của người bệnh, đặc điểm bệnh lý cũng như thời gian khởi phát bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các can thiệp y học cần thiết để cứu sống bệnh nhân và hạn chế tàn tật sau này

- Đối với xuất huyết não: Cần phải sớm ổn định bệnh nhân và kiểm soát huyết áp, cũng như ngăn chặn sự lan rộng của khối máu tụ, điều trị các biến chứng do khối máu tụ gây ra

8. Xử trí khi gặp người có dấu hiệu đột quỵ

- Những điều nên làm

+ Điều cần làm đầu tiên khi sơ cứu người bị đột quỵ là đỡ người bệnh để họ không bị té ngã

+ Nếu bệnh còn tỉnh táo thì cần để bệnh nhân nằm yên và nhanh chóng gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất.

+ Nếu người bệnh gọi hỏi không đáp ứng, không mở mắt: cần xem bệnh nhân thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hoặc ngưng thở; nếu ngưng thở thì cần hô hấp nhân tạo nhằm kịp thời cung cấp oxy cho não

 

so-cuu-dot-quy-nao-an-cung-truc-hoan

- Những điều không nên làm

+ Không được tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, đánh gió hay chích nặn máu vì những động tác này có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh và làm mất thời gian vàng điều trị.

+ Không cho bệnh nhân ăn uống và đề phòng nôn trào ngược, bệnh nhân hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẻ rất nguy hiểm.

+ Không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp khi chưa có sự cho phép của bác sĩ

+ Không dùng thuốc Aspirin hay các thuốc chống đông máu, tan máu vì lúc này chưa xác định được người bệnh bị loại đột quỵ nào

Tóm lại đột quỵ là một trong những bệnh lý gây tử vong và để lại nhiều di chứng nặng nề, cần phải chủ động phòng ngừa các yếu tố nguy cơ và phát hiện sớm các dấu hiệu đột quỵ để điều trị kịp thời là cách tốt nhất để hạn chế những biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. Hãy nhớ rằng khi bị đột quỵ, cứ mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào thần kinh, 14 tỷ synapse, và 12 kilomét sợi trục thần kinh bị chết đi, và làm người bệnh già hơn 3 tuần tuổi. Vì vậy, khi có các triệu chứng bất thường nghi ngờ là dấu hiệu đột quỵ, cần phải liên hệ cấp cứu ngay lập tức để được đưa đến cơ sở y tế phù hợp gần nhất để có hướng xử trí kịp thời

 


thucnguyen.d12
TAG:
dathongbao